Thân thế và sự nghiệp ban đầu Heinz_Guderian

Heinz Guderian sinh ngày 17 tháng 6 năm 1888 trong một gia đình quý tộc địa chủ tại thị trấn Kulm (khi đó thuộc tỉnh Tây Phổ - Đế quốc Đức, ngày nay thuộc Ba Lan). Ông là con trai của viên sĩ quan bộ binh Friedrich Guderian và bà Clara Kirchoff. Từ thuở nhỏ, Heinz đã mong muốn theo đuổi nghiệp binh để nối chí cha mình. Trong các năm 19011907, ông học nhiều trường thiếu sinh quân tại Baden, BerlinMetz. Tháng 2 năm 1907, ông gia nhập Tiểu đoàn Biệt kích số 10 Hannover (lúc bấy giờ do cha ông chỉ huy) với cấp bậc Chuẩn úy. Tháng 1 năm 1908, ông được lên cấp hàm Thiếu úy. Sau đó, ông được thuyên chuyển sang Tiểu đoàn Vô tuyến số 3 (Binh chủng Thông tin) đóng tại Koblenz vào năm 1912. Đến ngày 1 tháng 10 năm 1913, ông lập gia đình với bà Margarete Goerne - con gái của một sĩ quan quân y.[7][8][9] Cuộc hôn nhân đã đem lại cho ông hai người con trai - đó là Heinz Günther (sinh ngày 23 tháng 8 năm 1914) và Kurt (sinh ngày 17 tháng 9 năm 1918).[9]

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Năm 1914, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Guderian được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Truyền tin 3 thuộc Sư đoàn Kỵ binh 5 trên mặt trận Tây Âu. Cuối năm đó, ông đổi sang làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Truyền tin 14 (Tập đoàn quân số 4) và tại chức tới năm 1917. Guderian được phong quân hàm Thượng úy ngày 8 tháng 11 năm 1914, rồi lên lon Đại úy ngày 15 tháng 11 năm 1915. Tháng 4 năm 1917, ông đổi sang làm sĩ quan hậu cần trong Sư đoàn Bộ binh số 4 và vào tháng 8 cùng năm, ông nhận chức sĩ quan quân báo của Quân đoàn Dự bị X. Kế đến, ông tham gia một khóa đào tạo sĩ quan Bộ Tổng tham mưu tại Sedan từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 8 tháng 2 năm 1918, rồi vào công tác tại Bộ Tổng tham mưu từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 23 tháng 5 năm 1918. Tiếp theo đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức Trưởng ban hậu cần Quân đoàn Dự bị XXXVIII và Trưởng ban tác chiến Bộ Tư lệnh Lực lượng chiếm đóng Ý trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.[8][10] Sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh (11 tháng 11 năm 1918), Guderian về nước tham gia lực lượng biên phòng trên biên giới phía đông của Đức trong các năm 1918-1919.[11][10]

Giữa hai cuộc thế chiến

Ngày 28 tháng 6 năm 1919, các nước Đồng Minh ký Hòa ước Versailles ép Đức phải giảm quân số lực lượng vũ trang xuống 10 vạn người, đồng thời cấm Đức sở hữu xe tăng và các loại xe chiến đấu bọc thép khác. Guderian trở thành một trong 4.000 sĩ quan quân đội Đế quốc Đức cũ được giữ lại phục vụ lực lượng vũ trang Cộng hòa Weimar. Thoạt đầu, ông làm đại đội trưởng trong Tiểu đoàn Biệt kích 10 Hannover và đến năm 1922, ông được thuyên chuyển sang Cục Ô tô Vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là cơ quan phụ trách phát triển các đơn vị mô tô hóa nhằm tăng tính cơ động cho lục quân Đức.[10] Guderian công tác ở Cục Ô tô Vận tải cho tới ngày 1 tháng 10 năm 1924, khi ông được cử làm giảng viên tại Bộ Tham mưu Sư đoàn 2 trên đất Berlin. Ông lên quân hàm Thiếu tá vào ngày 1 tháng 2 năm 1927. Ngày 1 tháng 10 năm đó, ông trở lại Bộ Quốc phòng và được phân công phụ trách nhóm nghiên cứu của Cục Tác chiến. Không lâu sau, cuối năm 1928, Bộ Quốc phòng điều ông làm giảng viên chiến thuật tại Trường Ô tô Vận tải Quân sự Berlin. Đến ngày 1 tháng 2 năm 1930, Guderian lãnh chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Ô tô Vận tải Quân sự 3 và được thăng cấp Thượng tá. [3][10]

Sơ đồ đội hình tiêu chuẩn của một sư đoàn thiết giáp Đức năm 1941.

Trong thập niên 1920, Guderian trở nên đặc biệt quan tâm đến chiến tranh cơ giới-thiết giáp – một loại hình chiến tranh vẫn còn xa lạ với người Đức thời bấy giờ.[3][10] Do chưa có kiến thức về xe tăng, ông đã tận dụng vốn tiếng Anh, Pháp thuần thục của mình để nghiên cứu tư duy cơ giới hóa quân đội của nhiều nhà lý luận quân sự Tây Âu (tiêu biểu là 3 sĩ quan Anh J. F. C Fuller, B. H. Liddell HartGiffard Le Quesne Martel), đồng thời dịch một số tác phẩm của họ trong tiếng Đức. Ít nhiều dựa trên những ý tưởng đầu vào này, ông đề ra những bài tập giả định tình huống, triển khai vào những buổi tập trận với đội hình xe tăng gỗ để phân tích và cuối cùng hình thành một ý tưởng của riêng mình. Từ các cuộc tập trận bí mật đó, năm 1929, Guderian kết luận rằng xe tăng không thể hoạt động đơn lẻ, cũng không nên đóng vai trò yểm trợ bộ binh vì tính năng cơ động sẽ bị hạn chế.[11][10][3] Thay vào đó, ông đề xuất thành lập Binh chủng Tăng-Thiết giáp (tiếng Đức gọi là Panzerwaffe). Đơn vị cơ sở của binh chủng này là các sư đoàn cơ giới hoá hợp thành lấy xe tăng làm nòng cốt; các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh và các thành phần hỗ trợ khác của sư đoàn đều được cơ giới hoá (trang bị xe chiến đấu bọc thép) hoặc mô tô hoá (trang bị xe ô tô vận tải), tất cả đều phục vụ cho tác chiến của xe tăng. Cơ cấu hợp thành như vậy cho phép mỗi sư đoàn thiết giáp có khả năng tác chiến độc lập, không cần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bộ binh và pháo binh truyền thống (vốn không được cơ giới hoá hoặc mô tô hoá).[11][10][3] Bên cạnh đó, các sư đoàn thiết giáp này sẽ không có đơn vị không quân riêng, và phải kết hợp chặt chẽ với hỏa lực của binh chủng Không quân khi tấn công tiêu diệt địch.[1] Ngoài ra, Guderian nhờ kinh nghiệm làm sĩ quan truyền tin nên hiểu rằng radio là phương tiện kỹ thuật thiết yếu để phối hợp tác chiến trong lúc vận động. Do vậy, ông yêu cầu mọi xe tăng phải được trang bị radio, và chính phát kiến này của ông đã giúp cho chỉ huy các đơn vị tăng của Đức tổ chức đội hình rất hiệu quả trong các trận đánh năm 1939-1941.[11][10][3]

Thượng tướng Thiết giáp Guderian (trái) và Thượng tướng Thiết giáp Georg-Hans Reinhardt (phải) năm 1938.

Các sáng kiến của Guderian đã gặp phải sự chống đối gay gắt từ giới tướng lĩnh bảo thủ cùng toàn bộ binh chủng kỵ binh. Nhưng Guderian quyết tâm không bỏ cuộc, và đã lôi kéo được sự ủng hộ của một bộ phận lớn quân đội Đức. Trong số những người này có Đại tá Oswald Lutz - Tham mưu trưởng Ban Thanh tra Lực lượng Ô tô Vận tải vào cuối thập niên 1920. Chính Lutz đã chỉ định Guderian làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Ô tô Vận tải Quân sự 3 năm 1930. Sau khi nhậm chức Thanh tra Lực lượng Ô tô Vận tải vào tháng 10 năm 1931, Lutz lập tức chọn Guderian làm tham mưu trưởng cho mình. Hai ông đã hợp tác chặt chẽ cùng nhau vượt qua sự đối kháng của phe bảo thủ, đồng thời từng bước bí mật xây dựng, phát triển lực lượng xe tăng - cơ giới hóa theo cách Guderian đề xuất. Tiến trình này đã được đẩy mạnh đáng kể sau khi thủ lĩnh Đảng Quốc xã Adolf Hitler lên nắm quyền năm 1933. Hitler hết mình ủng hộ phe Lutz-Guderian vì coi việc hình thành binh chủng thiết giáp là rất cần thiết cho chính sách tái vũ trang của ông ta.[11][3][12] Năm 1935, chính phủ Quốc xã chính thức tuyên bố xé bỏ Hòa ước Versailles và Ban Thanh tra Lực lượng Ô tô Vận tải được mở rộng thành Ban Thanh tra Lực lượng Cơ động (gồm thiết giáp, cơ giới, mô tô, kỵ binh). Vào ngày 15 tháng 10 năm 1935, Hitler, Lutz cùng Guderian cho ra đời 3 sư đoàn thiết giáp đầu tiên của Đức. Guderian được phân công làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp số 2 ở Würzburg. Năm 1936, ông được thăng cấp hàm Thiếu tướng. Tiếp theo đó, ông thay Lutz giữ chức Thanh tra Lực lượng Cơ động và được thụ phong Trung tướng đầu năm 1938. Tháng 3 năm 1938, ông tham gia chỉ huy các đạo quân Đức tiến vào tiếp quản Áo và tới tháng 11 năm đó, ông lên quân hàm Thượng tướng Thiết giáp. Trong khi đó, binh chủng xe tăng Đức tiếp tục được mở rộng và các sư đoàn thiết giáp dần dần được sử dụng như những viên gạch lắp ghép thành Quân đoàn Thiết giáp (Panzerkorps), Cụm Thiết giáp (Panzergruppe) hoặc Tập đoàn Thiết giáp (Panzerarmee) đảm nhiệm vai trò của mũi tấn công cơ động cấp chiến dịch.[13][14].[11][3]

Với những cống hiến cho nền quân sự Đức thời kỳ 1919-1939, Guderian đã góp phần định hình học thuyết tác chiến nổi tiếng Blitzkrieg (Chiến tranh Chớp nhoáng) gắn liền với những thắng lợi nhanh chóng của quân đội Đức đầu Chiến tranh thế giới thứ hai.[14][11]